Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Các biện pháp giảm đau trong điều trị bệnh xương khớp

Đau nhức là triệu chứng nổi bật trong các bệnh xương khớp. Ngoài thuốc còn có nhiều biện pháp khác nhưng chưa được người bệnh và ngay cả nhiều bác sĩ quan tâm đúng mức. Nếu biết phối hợp, chúng ta có thể giảm đau hiệu quả mà còn tránh dùng thuốc quá mức cần thiết, vừa tốn tiền lại vừa nhiều tác dụng phụ.

1. Thuốc giảm đau:


a. Nhóm Acetaminophen: tên thông dụng là paracetamol, Tylenol, Panadol, Efferalgan. Loại này được xếp loại thuuốc giảm đau được chọn lựa đầu tiên vì tác dụng phụ ít nhất. Sử dụng trên 4 g/ngày có thể gây độc tế bào gan, viêm gan do thuốc

b. Nhóm Salicylate: điển hình là Aspirin, từng được xem là một thần dược của thập niên 60 vì tác dụng đa dạng của nó. Tuy nhiên tác dụng phụ của nó cũng nhiều không kém. Đặc biệt là gây viêm dạ dày và xuất huyết giảm tiểu cầu.

c. Nhóm kháng viêm Non-steroid (NSAID): được chọn dùng cho tình trạng viêm cấp hay mãn tính. Đúng như tên gọi, nó không giảm đau đơn thuần như nhóm Acetaminophen, mà nó giúp giảm đau qua tính chất ức chế quá trình viêm.

d. Nhóm Steroid (Corticoid): cũng ức chế quá trình viêm nhưng cơ chế đến nay vẫn chưa được hiểu hết. Corticoid đã có thời gian được ca ngợi do có tác dụng trên nhiều bệnh khác nhau. Đặc biệt Corticoid có tác dụng giảm đau rất tốt trên các viêm khớp cấp. Tuy nhiên nó có thể bị lệ thuộc vào thuốc và phản ứng rebound ( dừng thuốc đột ngột có thể làm đau trở lại). Một số tác dụng phụ nghiêm trọng được ghi nhận như hội chứng Cushing, phù toàn thân, béo phì, tăng huyết áp, loãng xương, teo cơ, đau dạ dày,… Hiện nay các bác sĩ rất hạn chế việc sử dụng Corticoid vì e ngại tác dụng phụ nhiều hơn các lợi ích nó mang lại cho bệnh nhân.

e. Nhóm dẫn xuất từ Morphin: như Diantalvic, Codein có tác dụng giảm đau tốt nên được xếp vào loại II. Tuy nhiên nó không hiệu quả trên quá trình viêm nên thực tế được sử dụng nhiều trong các phẫu thuật, chấn thương, hay hỗ trợ thêm trong các đau khớp nặng.

f. Morphin: hiện nay chỉ còn sữ dụng giảm đau trong phòng mổ hay sau phẫu thuật xương khớp.

2. Nghỉ ngơi ( Bất động khớp đau)

Đau được xem là dấu hiệu báo động của cơ thể nhằm giúp bảo vệ cơ thể. Nguyên tắc lớn trong điều trị là tạm thời ngưng ngay những động tác hay cử động nào gây ra sự đau nhức cho người bệnh. Ví dụ cúi lưng thấy đau thì không nên cúi lưng, đi bộ thấy đau gối thì nên ngưng đi, … Nhiều khi chỉ cần nghỉ ngơi cũng đã giúp người ta hết đau mà không cần phải dùng đến thuốc giảm đau. Chẳng hạn bệnh nhân bị viêm thần kinh toạ, thoát vị đĩa đệm được bác sĩ khuyên nên nằm nghỉ tại giường 1 tuần lễ để giữ cột sống ở tư thế nằm ngang, giảm bớt tối đa áp lực đè lên đĩa đệm chèn ép vào tuỷ sống gây đau .

Đế có sự bất động khớp tiện lợi hơn cho bệnh nhân, người ta làm ra các loại nẹp hỗ trợ chuyên dùng như nẹp cổ, đai treo tay, nẹp cổ tay, nẹp thun khớp gối, băng thun cổ chân, đai lưng…

3. Chườm nóng

Với các bệnh khớp mãn tính làm xơ hóa các dây chằng, đặc biệt là các bệnh lý gây thiếu máu cục bộ trong cơ bắp, chườm nóng có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu tại chỗ, vì thế giúp giảm đau khá hiệu quả. Tuy nhiên tác dụng không kéo dài nên cần phải lập lại vài lần trong ngày và lien tục nhiều ngày cùng với các biện pháp khác.

4. Chườm lạnh

Giảm đau hiệu quả trong chấn thương xương khớp và đau khớp do Gout.

Chườm lạnh tạo phản ứng co mạch tại chỗ, giúp ngăn chặn tình trạng xuất huyết do chấn thương gây ra. Vì thế nó giúp giảm sưng, chống phù nề và giảm đau nhức tại chỗ.

5. Vận động liệu pháp

Tình trạng viêm khớp mãn tính gây ra sự xơ hoá và giảm tuần hoàn máu nuôi trên các khớp bệnh lý. Bên cạnh đó nó còn làm teo cơ, giảm sức gân cơ do sự đau nhức làm người bệnh hạn chế cử động. Vì thế các bài tập vận động liệu pháp sẽ giúp giải toả được vòng xoắn bệnh lý này.

6. Ngâm nước nóng

Tương tự như chườm nóng nhưng chủ yếu giúp tăng cường lưu thông mạch tĩnh mạch nông ở đầu chi (tay chân).

7. Xoa bóp (massage)

Hiện nay xoa bóp được sử dụng như một biện pháp tăng cường sức khoẻ. Nó được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu để có thể hiểu hết cơ chế tác dụng của xoa bóp. Tác dụng giảm đau nhức rất hữu hiệu trên hệ cơ bắp nhờ vào tác dụng giãn cơ và tăng cường lưu thông máu nuôi. Cơ chế tác động trên khớp chưa rõ rang nhưng có một số lợi ích trên các gân cơ và dây chằng quanh khớp.Tuy nhiên một số động tác không phù hợp có thể gây chấn thương thêm cho cơ thể

8. Vận động trị liệu

Nó tỏ ra có hiệu quả trong nhiều chứng bệnh xương khớp như khớp vai, cột sống, khớp gối. Hiện nay nó được xem là một phần quan trọng trong điều trị bệnh khớp. Những bài tập và động tác nhìn giống như các bài thể dục thông thường nhưng nguyên lý khác nhau. Ví dụ vận động liệu pháp dành cho người bệnh khớp, thể dục cho người khoẻ mạnh. Vận động trị liệu yêu cầu tập nhiều lần trong ngày, mỗi lần ít cái. Không được gắng sức quá mức và không làm cho đau tăng lên. Luôn phối hợp với thuốc và các liệu pháp khác mới đạt hiệu quả cao nhất.

Tóm lại: đau nhức xương khớp cần được điều trị toàn diện và phối hợp nhiều biện pháp song hành mới đạt được tác dụng cao nhất
Đế cơn đau không tái phát, cần chú ý điều trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh. Vì thế chẩn đoán bệnh rõ rang và có một lộ trình điều trị là rất cần thiết cho các bệnh khớp mãn tính.

Chúc các bạn có một sức khỏe tốt!
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...
 
Posts RSSComments RSSBack to top
Copyright © 2014 by Xương khớp nguyên sinh - Điều trị đau vai gáy, đau xương khớp, viêm khớp dạng thấp ∙ Templated by Điều trị đau xương khớp.
Trang tin tức điều trị bệnh xương khớp, bệnh đau xương khớp